Bác sĩ Chính cho biết vaccine giúp cơ thể trẻ có miễn dịch với mầm bệnh,ốctiêmvaccinechotrẻdướimộttuổaptomat nhờ đó phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, mỗi loại vaccine được sản xuất có lịch tiêm, hiệu quả tạo miễn dịch khác nhau, có thể mũi đầu tiên chưa tạo được đủ kháng thể chống lại bệnh. Vì vậy, một số vaccine cần tiêm nhiều mũi, ở nhiều thời điểm khác nhau. Có thể chia thời điểm tiêm chủng thành các mốc gồm sơ sinh, 6 tuần, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng.
Sơ sinh
Trẻ sơ sinh sau khi chào đời cần tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh và lao trong 24 giờ đầu tiên. Hai mũi tiêm này đặc biệt quan trọng, tránh lây truyền virus từ mẹ sang con và phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh từ các nguồn khác. Trong đó, viêm gan B có tỷ lệ lưu hành cao tại Việt Nam, còn bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp, chiếm tỷ lệ 10 đến 15% trong số ca bệnh lao mới mắc hàng năm. Khi trẻ được tiêm vaccine sớm, hiệu quả bảo vệ lên đến 95%.
6 tuần tuổi
Ở mốc 6 tuần tuổi (1,5 tháng), sức đề kháng của trẻ vẫn còn yếu và có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, diễn tiến nặng hơn so với độ tuổi khác. Ở cột mốc này, trẻ cần được chủng ngừa khoảng 5 mũi phòng các bệnh gồm viêm gan B; vaccine 6 trong 1 phòng bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu...
Phụ huynh nên tiêm đủ phác đồ 3 mũi 6 trong 1 và phế cầu khuẩn trong 6 tháng đầu để bảo vệ trẻ. Mũi tiêm thứ 4 (tiêm nhắc lại) nên hoàn thành lúc trẻ 16-18 tháng. Với vaccine Rotavirus, trẻ cần hoàn thành phác đồ trước 8 tháng tuổi.
6 tháng tuổi
Ở thời điểm này, trẻ không còn kháng thể được mẹ truyền sang, trong khi miễn dịch tự nhiên của cơ thể chưa hoàn thiện. Do đó, các mũi tiêm khi 6 tuần tuổi rất quan trọng với các mũi ngừa cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu B, C.
Bệnh cúm có thể tự khỏi song cũng có thể biến chứng ở người mắc bệnh mạn tính hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các biến chứng gồm viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Viêm màng não do não mô cầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50-100 ca viêm màng não do não mô cầu. Dù số mắc ít, bệnh nhân phải chịu di chứng nặng nề như điếc, cắt chi, khiếm khuyết thần kinh, vận động...
9 tháng tuổi
Từ 9 tháng tuổi, trẻ cần tiêm tối thiểu 5 loại vaccine gồm sởi, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu tuýp A, C, Y, W-135 và các mũi vaccine nhắc lại. Trong đó vaccine ngừa sởi - quai bị - rubella, thủy đậu và não mô cầu đều có phác đồ 2 mũi tiêm, hiệu quả từ 95% trở lên khi được tiêm sớm.
12 tháng tuổi
Trẻ em từ 12 tháng bắt đầu biết bò, ngậm mút đồ chơi, tiếp xúc với nhiều người và môi trường xung quanh, làm tăng nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, biến chứng nặng, điều trị kéo dài nếu chưa được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo. Ngoài các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh tay, đồ chơi, nhà cửa, trẻ cần được tiêm bổ sung tối thiểu 6 loại vaccine, trong đó có những loại rất quan trọng như thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, sởi-quai bị-rubella...
"Chi phí cho chủng ngừa thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị và chăm sóc y tế nếu trẻ mắc bệnh. Do đó, phụ huynh nên tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ càng sớm càng tốt", bác sĩ Chính khuyến cáo.
Sau khi tiêm chủng, trẻ có thể bị nóng sốt, bỏ bú, sưng đỏ tại vết tiêm... Bác sĩ Chính cho biết gia đình không nên quá lo lắng, các phản ứng này thường gặp sau khi tiêm chủng, có thể biến mất sau 24 đến 48 tiếng. Nếu trẻ sốt, cha mẹ nên hạ sốt đúng cách và lau mát cho trẻ, nên cho con bú nhiều hơn, chia thành nhiều cử nhỏ, không cần kiêng khem đặc biệt. Gia đình có thể gọi đến hệ thống tiêm chủng để nhờ tư vấn nếu cảm thấy trẻ cần chăm sóc đặc biệt.
Mộc Thảo