Trong văn phòng công ty mai mối ở địa phương,ữngphụnữtrungniênTrungQuốcmuốnlấychồngTâg88 Ruby cho hay đã nhận được thỏa thuận ly hôn hào phóng từ người chồng cũ giàu có người Trung Quốc và cô đã nghỉ hưu non. Ngồi cạnh cô là Daisy, một phụ nữ ngoài 40 tuổi cũng ly hôn, đang chật vật kiếm sống bằng nghề thu ngân cho một trung tâm thương mại.
Cả hai người phụ nữ đều có chung mong muốn kết hôn với một người đàn ông phương Tây và ra nước ngoài sinh sống.
Ở bên kia đại dương là Robert, tài xế xe tải người Mỹ khoảng 50 tuổi, sống trong nhà di động (chỗ ở tạm thời cho người có thu nhập thấp hoặc người hay di chuyển) ở Deep South, miền nam nước Mỹ. Sau khi ly hôn với người vợ ngoại tình, ông đăng ký với một công ty hẹn hò trực tuyến chuyên kết nối đàn ông phương Tây với phụ nữ Trung Quốc thông qua email.
Robert cho hay rất thất vọng về phụ nữ Mỹ, những người ông cho rằng quá thiên về vật chất và đánh mất "giá trị gia đình truyền thống". Tuy nhiên, Robert không đủ khả năng tới Trung Quốc để gặp những phụ nữ mà ông đã trò chuyện qua email. Để tiết kiệm, bữa tối ông chỉ ăn vài cái bánh bao, đôi khi bỏ bữa.
Các công ty mai mối hỗ trợ trao đổi thư từ và thủ tục hôn nhân giữa phụ nữ ở các nước đang phát triển như Nga, Ukraine, Trung Quốc hay Colombia, với đàn ông những nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada hoặc Australia. Đây là ngành kinh doanh toàn cầu ước tính trị giá hai tỷ USD.
Monica Liu, phó giáo sư khoa Xã hội học, Đại học St. Thomas ở Houston, Mỹ, đã phỏng vấn 61 nữ khách hàng Trung Quốc tại ba công ty mai mối quốc tế trụ sở ở Trung Quốc từ năm 2008 tới 2019.
Liu muốn biết tại sao bất chấp sự phát triển vượt bậc về kinh tế và văn hóa của Trung Quốc, rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người tài chính khá giả, vẫn muốn đến phương Tây để tìm kiếm tình yêu.
Trung Quốc là đất nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính lớn. Đàn ông độc thân nhiều hơn 30 triệu người so với phụ nữ độc thân. Tuy nhiên, phụ nữ trung niên đã ly hôn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Trái với mô tả của truyền thông phương Tây về "những cô dâu qua email" thường là phụ nữ trẻ kết hôn với đàn ông phương Tây lớn tuổi để thoát nghèo, phần lớn phụ nữ đăng ký tìm bạn trai qua công ty mai mối mà Liu phỏng vấn đều ở độ tuổi trung niên và đã ly hôn.
Họ đều nói nguyên nhân chính muốn tìm bạn trai phương Tây là vấn đề phân biệt tuổi tác ở Trung Quốc. "Đàn ông giàu có ở đây muốn lấy gái trẻ khoảng 20 tuổi để khoe khoang", Ruby giải thích.
Việc đàn ông ly hôn hay góa vợ ở nhiều nước lấy vợ sau trẻ hơn nhiều tuổi không phải điều hiếm lạ, nhưng áp lực lấy vợ trẻ khá lớn ở Trung Quốc, nơi phụ nữ 27 tuổi bị coi là "quá lứa lỡ thì".
Ngoài ra, phụ nữ nuôi con sau ly hôn, đặc biệt là những người có con trai, còn đối mặt nhiều thách thức hơn. Chuẩn mực xã hội thường kỳ vọng đàn ông phải có nhà, có xe mới lấy được vợ, nghĩa là cha mẹ phải hỗ trợ tài chính cho con trai. Nhiều người đàn ông không muốn gánh trách nhiệm này khi cưới một phụ nữ có con trai.
Ngoại tình cũng nằm trong số những mối lo ngại hàng đầu của phụ nữ Trung Quốc, bởi quá trình cải cách kinh tế sau năm 1978 tạo ra tầng lớp thượng lưu mới. Nhiều người đàn ông phất lên đã tìm đến phụ nữ trẻ hơn, gợi cảm hơn dù đã có gia đình.
Ruby cho hay người chồng cũ giàu có của cô có vô số nhân tình. Anh ta từng nói rằng "đàn ông giống như ấm trà, mỗi ấm phải kết đôi với nhiều tách trà".
Không chỉ đàn ông giàu mới ngoại tình. Có người cho hay chồng mất việc, bắt đầu uống rượu, cờ bạc, rồi quay sang ngoại tình. Mặc dù không có gì chứng minh đàn ông phương Tây chung thủy hơn, những người phụ nữ này vẫn muốn thử vận may vì đã mất niềm tin vào đàn ông Trung Quốc.
Trong số khách hàng tìm đến công ty mai mối thậm chí có cả những người từng làm "bồ nhí" của các doanh nhân giàu có. Jennifer, người từng làm tình nhân, cho hay cô "tin vào chế độ phụ hệ". Cô thích ở bên đàn ông giàu nhiều bạn tình hơn là đàn ông chung thủy nhưng nghèo.
Tuy nhiên, khi những cô nhân tình già đi, doanh nhân giàu có lại bỏ rơi họ để chạy theo những phụ nữ trẻ hơn. Những cô nhân tình bị bỏ rơi không chấp nhận ở bên đàn ông có địa vị thấp hơn, kém thành công hơn. Sau nhiều năm không đi làm, sống xa hoa dựa vào đàn ông, họ lựa chọn lấy chồng nước ngoài và di cư như một cách chạy trốn khỏi thị trường lao động đang suy yếu.
Phụ nữ trung niên Trung Quốc không có bằng đại học đối mặt nhiều thách thức. Họ nằm trong số làn sóng công nhân bị các nhà máy quốc doanh sa thải những năm 1990, khi hơn 30 triệu người mất việc làm.
Họ phải vật lộn tìm việc làm mới trong ngành dịch vụ ở Trung Quốc, nơi ưu tiên tuyển dụng phụ nữ trẻ đẹp. Daisy, 43 tuổi, cảm thấy may mắn khi tìm được công việc trong trung tâm thương mại sang trọng, nhưng vẫn lo sợ về triển vọng công việc.
Những người phụ nữ kém xinh đẹp hơn thường làm công việc ít hấp dẫn hơn như bảo mẫu chăm trẻ hoặc bán hàng rong với thu nhập chưa tới 5 USD/ngày. Không được tiếp cận bảo hiểm y tế, lương hưu hoặc các chương trình an sinh xã hội, nhiều người mong muốn rời Trung Quốc.
Một lý do nữa khiến phụ nữ Trung Quốc muốn kết hôn với đàn ông phương Tây là để con cái có thể ra nước ngoài du học. Một số người muốn con thoát khỏi hệ thống giáo dục dựa vào thi cử của Trung Quốc, hệ thống tạo gánh nặng cho học sinh khi giao quá nhiều bài tập và trẻ em không có thời gian vui chơi. Một số cảm thấy để tìm được việc làm ở Trung Quốc cần dựa vào quan hệ xã hội hơn là trình độ chuyên môn.
Joanne, quản lý làm việc trong ngành bán lẻ, luôn mơ ước đưa con trai đi Mỹ du học, cho hay "không giống Mỹ, nhiều việc làm tốt ở Trung Quốc đều phụ thuộc vào 'hậu đài', thuật ngữ chỉ các mối quen biết xã hội hay gia cảnh".
"Có bằng thôi chưa đủ", cô nói.
Nhà nghiên cứu Liu nhận thấy một điều thú vị là trong số 30 phụ nữ có tài chính ổn định mà cô phỏng vấn, chỉ 12 người cuối cùng kết hôn với đàn ông phương Tây. Trong khi đó, 26 trong số 31 người gặp khó khăn tài chính đã kết hôn và chuyển ra nước ngoài.
Nguyên nhân do nhiều phụ nữ có tài chính ổn định đã quen hẹn hò với các doanh nhân và chính trị gia giàu có của Trung Quốc nên từ chối người cầu hôn thuộc tầng lớp lao động phương Tây. Sau khi gặp mặt trực tiếp, họ mới nhận ra những người đàn ông này thiếu thẩm mỹ và phong cách sống như người tình Trung Quốc.
Những phụ nữ khó khăn tài chính có quan điểm khác. Daisy, người lấy một thợ cơ khí Pháp, dần dần đánh giá cao sự tử tế và quan tâm của chồng, dù ban đầu không bị anh thu hút và thậm chí cho rằng "ông ấy ngốc nghếch, vụng về, giống như nông dân".
Daisy hiện làm bồi bàn và kiếm được 1.500 USD mỗi tháng, giúp cô gửi tiền về cho con gái ở Trung Quốc.
Robert, tài xế xe tải, cuối cùng cũng tìm thấy tình yêu với một phụ nữ Trung Quốc. Cô chuyển tới sống trong nhà di động cùng ông và làm nhân viên mát xa để gửi tiền về cho các con trai ở Trung Quốc.
Trong khi một số cô dâu cảm thấy hài lòng với cuộc hôn nhân mới thì có người buộc phải nín nhịn. Joanne nhận thấy người chồng Mỹ rất thích kiểm soát. Tuy nhiên, cô vẫn ở lại vì tuổi đã lớn, tiếng Anh kém, cần hỗ trợ tài chính cho con trai đang học ở Mỹ, khiến Joanne không còn lựa chọn nào khác.
Hồng Hạnh (Theo The Conversation)