Sau 5 ngày tạm nghỉ,ềubịcáokêuoantrongvụkhaitháclậutriệutấvtvgo ngày 19 và 20/10, TAND tỉnh Thái Nguyên mở lại phiên xử 33 bị cáo trong vụ khai thác lậu 3 triệu tấn than.
Vụ án liên quan nhiều cựu quan chức tỉnh này, trong đó cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thanh Tuấn, bị VKSND tỉnh Thái Nguyên đề nghị 4-5 năm tù về tội Thiếutrách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;cựu giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Ngô Quyết bị đề nghị 15-18 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ án còn có hai anh em sinh đôi Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, 34 tuổi, trú tỉnh Quảng Ninh, được biết đến là đại gia kinh doanh lan đột biến trong vụ mua bán giá 250 tỷ đồng. Giang và Thanh bị đề nghị 4-6 năm tù về 2 tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán trái phép hóa đơn.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh, 53 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, bị xác định là chủ mưu với mức án đề nghị 21-23 năm tù do Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ.
Trong lần mở lại, ngày 19 và 20/10, HĐXX quay lại phần xét hỏi, triệu tập thêm một số cá nhân liên quan, giám định viên. Liên quan những nội dung "kêu oan" của bà Linh, cơ quan công tố và luật sư tiếp tục tranh luận kéo dài hơn một ngày.
VKS giữ nguyên quan điểm khi xác định năm 2014, khi Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép khai thác than trong khu 59 ha ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đến giữa năm 2031 với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn một năm.
Sau một vài tháng, bà Linh "bán" toàn bộ mỏ cho Công ty Đông Bắc Hải Dương của hai anh em Thanh và Giang. Theo thỏa thuận, Đông Bắc Hải Dương mua lại toàn bộ số than của Yên Phước đã khai thác tại mỏ với giá gần 10 tỷ đồng và toàn bộ máy móc giá 15 tỷ; được khai thác than tại mỏ Minh Tiến với công suất tối thiểu 400.000 tấn một năm, tức gấp 47 lần trữ lượng cấp phép, VKS cáo buộc.
Ngoài việc phải tự đầu tư máy móc, nhân công, Đông Bắc Hải Dương phải trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước theo tấn sản phẩm khai thác là 150.000 đồng một tấn than, 90.000 đồng một tấn bã sàng và 50.000 đồng một m3 đá đen.
Để đưa than khai thác trái phép đi tiêu thụ, VKS cho rằng Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tại Nam Định.
VKS kết luận bà Linh, anh em Thanh, Giang cùng đồng phạm đã khai thác thực tế 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, trong khi tổng sản lượng được cấp phép chỉ hơn 136.000 tấn.
Nhóm này đã tiêu thụ hơn 1,1 triệu tấn, 330.000 m3 bã sàng và 95.000 m3 đá đen với tổng giá trị 174 tỷ đồng; còn lại 1,5 triệu tấn chưa kịp tiêu thụ thì bị phát hiện, thu giữ.
Đối đáp, luật sư Nguyễn Đình Giá và Trần Đình Triển, bào chữa cho bị cáo Linh nêu 4 quan điểm phản biện.
Thứ nhất, theo Nghị định số 33/2017, khi khai thác vượt công suất được phép, doanh nghiệp chỉ bị phạt tối đa đến 500 triệu đồng. Luật sư do đó cho rằng Công ty Yên Phước không thể bị xử lý hình sự.
Thứ hai,về vấn đề giám định, tiêu chuẩn QCVN 8910:2020 xác định có 4 chủng loại than: than cục, than cám, than bùn tuyển và than không phân cấp.
Tại 5 bãi tập kết trên địa bàn Thái Nguyên và Hải Dương, kết luận giám định đều xác định là "chủng loại than dưới mức chất lượng than không phân cấp". Luật sư cho rằng giám định viên đã "sáng tác" thêm một loại than mới không có trong quy chuẩn.
Thứ ba, pháp luật quy định sau khi được cấp phép khai thác, doanh nghiệp trả thuế phí đầy đủ thì số khoáng sản khai thác được là tài sản doanh nghiệp, không phải của Nhà nước
"Mỏ Minh Tiến được cấp phép 136.000 tấn nhưng thân chủ tôi bị cáo buộc khai thác vượt trữ lượng lên tới 2,7 triệu tấn, tức gấp 20 lần. Tôi đề nghị VKS chứng minh 2,7 triệu tấn than có nằm dưới mỏ hay không, các anh phải chứng minh điều này, nếu chứng minh được bà Linh sẽ nhận tội", luật sư nói.
Thứ tư,luật sư cho rằng, nếu VKS xác định pháp nhân công ty Yên Phước phạm tội, theo luật chỉ có thể bị phạt nặng về hành chính chứ không thể hình sự.
Ngược lại, nếu xác định cá nhân phạm tội (giám đốc Linh và nhân viên), thì về luật, cơ quan tố tụng chỉ được phong tỏa tài sản cá nhân đó, cổ phần vốn góp, chứ không phải cấm hoạt động và thu hồi giấy phép toàn bộ các công ty bị cáo đó góp cổ phần.
VKS sau đó đối đáp từng vấn đề luật sư và bị cáo đặt ra.
Về kết luận giám định, VKS khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân công những thành viên có kiến thức, kinh nghiệm, chịu trách nhiệm pháp lý về nghĩa vụ và đánh giá chuyên môn của mình. Các giám định viên đã thực hiện các phương pháp như GPRS, đa tần số, đa giác...tại tòa các giám định viên đã có giải thích.
"Tôi khẳng định kết luận giám định của Bộ Tài nguyên và Môi trường có căn cứ đảm bảo tính khoa học, kết luận 3 triệu tấn đó đều là than. Còn cách gọi than hay xỉ hay xít, chỉ là cách gọi", VKS phân tích.
Cơ quan công tố cho rằng: "Luật sư bào chữa để gỡ tội cho thân chủ nhưng cứ lại đi sâu vào nghi vấn bỏ lọt tội phạm. Luật sư có ý kiến thì phải có căn cứ".
Về việc hình sự hóa vụ án, VKS cho rằng các luật sư "quên mất" rằng khi xem xét hành vi khai thác vượt mức cho phép mà giá trị từ 500 triệu trở lên là phải chuyển sang vụ án hình sự, còn giá trị dưới 500 triệu mới xử phạt hành chính.
VKS khẳng định hai công ty Yên Phước và Đông Bắc Hải Dương đã khai thác than vượt mức cho phép với giá trị trên 500 triệu đồng. Do đó việc hình sự hóa vụ án là hoàn toàn có căn cứ.
Với quan điểm luật sư cho rằng "doanh nghiệp đã nộp thuế, được phép khai thác, khoáng sản khai thác được sẽ là tài sản của doanh nghiệp, việc xử lý tài sản thế nào là quyền của họ", VKS khẳng định đây là "tư duy sai".
Giấy phép tỉnh Thái Nguyên cấp cho công ty của bà Linh nêu sản phẩm sau khi chế biến được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chất đốt trên địa bàn tỉnh và trong nước. Song công ty "độc quyền" bán cho Công ty Đông bắc Hải Dương của hai anh em "đại gia" lan đột biến, là trái quy định.
Viện dẫn Điều 53, 63 Hiến pháp quy định, tài nguyên khoáng sản là tài sản công, "thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", VKS nói không phải khi được cấp quyền khai thác thì doanh nghiệp "muốn làm gì thì làm" mà phải thực hiện đúng giấy phép".
Sau 3 lượt đối đáp qua lại, cơ quan công tố và phía luật sư giữ nguyên mọi quan điểm đã trình bày. Tòa do đó tuyên bố chấm dứt phần tranh luận.
Tại lời sau cùng, bà Linh cùng 8 cựu nhân viên dưới quyền đều kêu oan, đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Bà Linh phân trần đã bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào mỏ than nhưng khi khai thác lại phát hiện mỏ toàn đá xít, đá phế thải, "không phải 3 tấn đào lên đều là than cả". "VKS nói rằng quá trình điều tra tôi nhận tội nhưng tôi chưa bao giờ nhận, tôi luôn kêu oan cả hai tội", bà nói.
Do tính chất phức tạp của vụ án, Tòa cho hay cần thời gian nghị án kéo dài 7 ngày và sẽ tuyên án vào chiều 27/10.
Thanh Lam