Khoảng 19h,àngrốnlũQuảngBìnhđổiđờinhờlàmdulịbk8 màn đêm đã "ôm trọn" ngôi làng nhỏ Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Thỉnh thoảng, ánh sáng mờ mờ hiện lên từ chiếc đèn pin của người đi đường. Không gian tĩnh lặng, hiếm hoi mới xuất hiện tiếng động cơ của một chiếc xe máy chạy vụt qua. Mọi thứ hầu như không khác biệt so với một làng quê thông thường.
Tân Hóa bắt đầu phát triển du lịch từ khoảng năm 2014 khi các tuyến du lịch khám phá Tú Làn được vận hành. Trong 10 năm từ 2013 đến 2023, tổng lượng khách tham quan đạt khoảng 63.000 lượt. Trong ba năm gần nhất, lượng khách đều ghi nhận tăng trưởng mạnh từ chưa đến 4.000 lượt lên hơn 9.000.
Du khách đến Tân Hóa có hai lựa chọn lưu trú là "rural homestay" (homestay nông thôn) và Tú Làn Lodge. Hiện làng mới có 10 rural homestay, chi phí mỗi đêm dao động từ 950.000 đồng tới 1,5 triệu đồng (vào mùa thấp điểm rẻ hơn). Một số homestay tách biệt với nhà chủ, số còn lại ở ngay bên trong khuôn viên.
Homestay dân dã từ cách chọn gam màu xanh biển, trang trí giỏ hoa đến mái lợp lá. Ở dưới chân nhà là những chiếc thùng được sử dụng như phao nổi trong mùa lũ. Nhờ đó, kể cả vào mùa lũ, du khách vẫn có thể tới đây trải nghiệm. Đây là cách ngôi làng phát triển du lịch thích ứng với thời tiết.
Bên trong rộng khoảng hơn 30 m2 với phòng tắm khép kín, hai chiếc giường, một bộ bàn uống nước nhỏ phong cách cắm trại. Mọi vật dụng được lựa chọn đơn giản hết mức nhưng vẫn đem đến sự thoải mái và đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách.
Ngoài trời, cơn mưa bắt đầu trút xuống nặng hơn. Quảng Bình đang bước vào mùa lũ (tháng 6-9 âm lịch). Vào năm 2012, mực nước dâng cao tới 12 m, nhấn chìm gần như toàn bộ nhà trong làng. Từ đó, Tân Hóa còn được biết đến với tên "rốn lũ Quảng Bình".
Sau trận lũ này, một số giải pháp được đưa ra như di dời người dân hoặc phá núi tạo dòng thoát lũ, yêu cầu kinh phí cao và ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Cái khó ló cái khôn, người dân Tân Hóa đã tạo ra các bè phao nổi, sau nâng cấp thành nhà nổi để sống chung với lũ.
Buổi sáng ở Tân Hóa, du khách có thể trải nghiệm xe địa hình ATV. Đây là một trong những hoạt động phổ biến của du khách khi tới Tân Hóa, bên cạnh khám phá hang động. Điểm tập kết xe gần nhà ông Trương Xuân Đô - nổi tiếng khắp Quảng Bình với danh hiệu "người gác rừng lim". Khu vực rừng lim trong tour ATV cũng chính là khu rừng ông dành hàng chục năm canh gác. Tuy nhiên, chương trình tham quan chỉ đi qua phần rìa của rừng, không tiến sâu vào trong.
"Người thì sinh ra nhiều nhưng rừng cứ bị phá kiệt. Tôi phải giữ cho thế hệ sau", người đàn ông 73 tuổi nói.
Quãng đường khám phá rừng lim không dài, kéo dài khoảng 45 phút, nhưng du khách liên tục băng qua những đoạn dốc, khúc cua mà người cầm lái phải gồng hết sức để xe không lật. Xen lẫn những pha thót tim đó là một số đoạn đường bằng phẳng, để cả người cầm lái lẫn ngồi sau đều có thể cảm nhận vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên Quảng Bình.
Tân Hóa có những con người yêu thiên nhiên và đang tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên. Đây cũng là xu hướng du lịch hàng đầu trên thế giới sau dịch Covid-19, đặc biệt thu hút nhóm khách nước ngoài.
Theo mô hình phát triển du lịch ở Tân Hóa, công ty Oxalis liên kết với làng để tạo ra các sản phẩm du lịch, công ăn việc làm cho người dân. Tính tới nay, bên cạnh 10 homestay, sự liên kết này tạo ra 70 việc làm cho các porter (người khuân vác đường rừng, núi), 10 mô hình ăn uống nhà dân và bốn hộ cung cấp thực phẩm, rau củ.
Người dân Tân Hóa sẽ thực hiện khâu vận hành và phục vụ. Trong tương lai, khi du lịch phát triển và người dân nắm chắc các hoạt động du lịch, Tân Hóa có thể tiến tới hình thành mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồng. Hiện người dân Tân Hóa chỉ ở những bước đầu tiên làm quen với du lịch, chủ yếu làm khâu phục vụ.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis, nói Tân Hóa đang đi những bước "chậm mà chắc" thay vì phát triển du lịch ồ ạt. Dù sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch với hệ thống hang đồ sộ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ lẫn các di tích lịch sử, người dân Tân Hóa vốn không có khái niệm "làm du lịch". Do đó, công ty cần phải tác động, hướng dẫn từ từ để họ tiếp thu những kiến thức mới này.
Ông Á kể thời gian đầu, họ từng thuê cả chuyên gia trong nước lẫn nước ngoài về để viết quy trình vận hành, dạy nhân viên (là người Tân Hóa) nhưng thất bại. Sau đó, họ quyết định để người dân tự làm theo thói quen rồi chuẩn hóa dần. Đó cũng là lý do đồ đạc trong phòng của "rural homestay" lẫn Tú Làn Lodge đều khá ít, đơn giản. Ông Á nói càng nhiều đồ, phức tạp, nhân viên lại lúng túng không biết làm.
Sự thay đổi trong nhận thức của người dân Tân Hóa cũng ngày một tích cực hơn nhờ du lịch. Trước đây, đàn ông Tân Hóa chỉ đi rừng, không đụng tay chân vào việc gì khác. Thời gian đầu, khi thuê đàn ông bản địa làm porter theo tour, họ nhất quyết không chịu nấu ăn cho khách vì nghĩ "đó là việc đàn bà".
Tuy nhiên, qua thời gian, khi thấy ai cũng sẵn sàng vào bếp, kể cả cấp trên, họ cũng đã chịu học, chịu làm hơn, có thể kiếm nhiều tiền hơn sau mỗi tour. Giờ mỗi khi xã Tân Hóa có sự kiện, chính những người đàn ông lại lăn xả vào bếp nấu nướng.
Du lịch ở Tân Hóa còn tạo ra tác động tích cực cho môi trường. Phần đông porter xuất thân từ nghề "đi rừng" - hay lâm tặc, hoạt động chủ yếu ở cánh rừng Tú Làn. Họ khai thác mật ong rừng, bắt thú rừng và gỗ để đem bán. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của Tú Làn, khiến nhiều loài quý hiếm như voi rừng, hổ, gấu, nai dần biến mất.
Nhiều porter cho biết họ thấy lạ khi du khách "ồ òa" vì nhìn thấy vượn hay cây cổ thụ. Khoảnh khắc đó khiến họ hiểu phải bảo vệ khu rừng để ngày càng có nhiều du khách tới hơn.
Du lịch cũng đem đến cơ hội việc làm cho những hộ dân nấu ăn phục vụ du khách. Trương Thị Hương, chủ một hộ nấu ăn, mới hợp tác với công ty một năm, nói cuộc sống đã thay đổi đáng kể từ việc làm du lịch. Nhà chị Hương chỉ cần lo nấu ăn, việc đưa khách về đã có công ty lo. Công việc mỗi tháng cũng giúp gia đình kiếm thêm 7-8 triệu đồng.
Ông Trần Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, nói ngôi làng này còn nhiều điều cần cải thiện dù cho mới nhận danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới". Tân Hóa có khoảng 3.000 người dân nhưng số hộ có thể tiếp cận với công việc du lịch vẫn tương đối ít. Trong tương lai, ông Hùng kỳ vọng ít nhất 1/3 dân làng có thể tham gia vào phát triển du lịch.
Ông Hùng chia sẻ được tham gia vào làm du lịch giờ là ước mơ của đa số hộ dân. Ví dụ, một hộ thuần làm nông xưa mỗi tháng nhiều nhất cũng chỉ kiếm được cỡ 3 triệu đồng. Trong khi đó, lương porter vào dịp cao điểm có khi lên tới 13 triệu đồng mỗi người.
"Mọi người đang dần thích ứng với du lịch, từ việc dọn rác trên đường, chăm hoa trước cửa và chú trọng đến giáo dục", ông nói.
Tú Nguyễn