Được chuyển tiền nhầm nhưng không chịu trả
Hôm 1.12,Đượcchuyểntiềnnhầmnhưngkhôngchịutrảlạicoichừngvướnglaolýpaimon Công an TX.Trảng Bàng (Tây Ninh) khởi tố bị can, bắt giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (21 tuổi) để điều tra về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Cách đây 2 tháng, chị N.T.H.N (39 tuổi, trú TP.HCM) chuyển khoản 200.000 đồng cho Hiếu, nhưng do sơ suất đã chuyển tiền nhầm thành 200 triệu đồng.
Phát hiện sự việc, chị N. tìm cách liên hệ với Hiếu để thông báo số tiền chuyển nhầm và đề nghị trả lại, nhưng không liên lạc được. Tiếp đó, chị N. đến ngân hàng đề nghị hỗ trợ, nhưng cũng không có kết quả.
Hết cách, người phụ nữ làm đơn gửi đến Công an TX.Trảng Bàng để yêu cầu hỗ trợ xác minh, thu hồi số tiền trên. Làm việc với cơ quan chức năng, Hiếu thừa nhận có nhận số tiền 200 triệu đồng do chị N. chuyển khoản nhầm.
Sau đó, Hiếu tự nguyện giao nộp 30 triệu đồng để trả lại cho người phụ nữ. Số tiền còn lại, dù cơ quan công an đã nhiều lần yêu cầu trả lại, nhưng Hiếu cố tình không trả.
Hồi tháng 10.2022, Công an TP.Hải Phòng cũng khởi tố, bắt tạm giam Phạm Văn Mạnh (31 tuổi, trú TP.Hải Phòng) và 3 người khác, để điều tra cùng về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Trước đó, chị Đ.T.H (46 tuổi) gửi 500 triệu đồng cho một người bà con, nhưng lại chuyển tiền nhầm vào tài khoản của Mạnh.
Chị H. liên hệ với ngân hàng để xin trợ giúp. Theo hướng dẫn, người phụ nữ chuyển thêm 10.000 đồng đến tài khoản của Mạnh kèm nội dung thông báo việc chuyển nhầm tiền, đề nghị liên lạc để xử lý.
Tuy nhiên, Mạnh không những không trả mà còn bàn bạc với những người khác chiếm đoạt số tiền chuyển nhầm của chị H., bằng cách chuyển hết số tiền này đến các tài khoản khác nhau.
Sau nhiều lần liên lạc với Mạnh để mong muốn được hoàn trả tiền không thành, chị H. trình báo với cơ quan công an.
Xử lý sao nếu được chuyển tiền nhầm?
Thời gian qua, số lượng các vụ việc chuyển tiền nhầm tài khoản xảy ra khá nhiều. Vậy người được chuyển tiền nhầm nên làm gì để tránh vướng vào lao lý?
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) dẫn quy định tại khoản 1 điều 105 bộ luật Dân sự 2015: tiền chính là loại tài sản.
Việc chiếm hữu tiền tức là chiếm hữu tài sản, chỉ được xem là có căn cứ pháp luật nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại điều 165 bộ luật này (được chủ sở hữu ủy quyền, chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp, tài sản vô chủ…).
Chuyển tiền nhầm không thuộc các trường hợp nêu trên, vì thế việc chiếm hữu số tiền là không có căn cứ pháp luật, người chuyển tiền nhầm có quyền đòi lại.
Khi được yêu cầu trả tiền, người được chuyển nhầm tiền có nghĩa vụ hoàn trả cho người chuyển nhầm. Khoản 1 điều 579 bộ luật Dân sự quy định rất rõ nội dung này: người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu người được chuyển tiền nhầm cố tình không trả lại, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý về hành chính, thậm chí là hình sự.
Trong đó, Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, đồng thời buộc khắc phục hậu quả là trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.
Điều 176 bộ luật Hình sự quy định: người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu yêu cầu được nhận lại tài sản thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Người chuyển tiền nhầm nên làm gì?
Trong trường hợp không may chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác, người chuyển nhầm nên làm gì để có thể lấy lại tiền?
Luật sư Hà Công Tâm cho hay, nếu trường hợp trên xảy ra, chủ sở hữu số tiền cần thông báo ngay cho ngân hàng để tra soát giao dịch. Ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản đã chuyển tiền nhầm để yêu cầu việc hoàn trả.
Một cách nữa có thể sử dụng là người chuyển tiền nhầm có thể gửi thêm các khoản tiền nhỏ đến số tài khoản đã chuyển nhầm tiền, với nội dung nhờ họ liên lạc hoặc trả lại tiền. Nội dung chuyển tiền nên viết ngắn gọn, giới thiệu rõ mình là người chuyển nhầm tiền, kèm số điện thoại hoặc thông tin để liên lạc.
Tình huống tốt nhất, đó là người nhận được tiền chuyển nhầm chủ động liên hệ, đồng ý tự nguyện trả lại tiền. Hai bên sẽ làm việc nhanh gọn, không cần chờ kết quả từ phía ngân hàng. Ngược lại, nếu không liên hệ được với người được chuyển tiền nhầm, người chuyển nhầm cần chờ để ngân hàng tra soát giao dịch.
Trường hợp tài khoản được chuyển nhầm vẫn còn đủ số dư khả dụng, tiền sẽ được hoàn lại vào tài khoản của người chuyển nhầm.
Trường hợp người được chuyển nhầm đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả, phía ngân hàng sẽ phải liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thu hồi.
Người chuyển nhầm tiền cũng có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân của người được chuyển nhầm để khởi kiện hoặc làm đơn tố giác gửi cơ quan công an.