Đội nữ vừa lên đã rớt hạng
Năm ngoái,ịđắngbóngchuyềảnh rose ngầu HLV Trần Hiền cùng đội nữ TP.HCM mang lại niềm vui cho người hâm mộ khi đoạt vé thăng hạng để lên chơi ở giải vô địch quốc gia 2023. Tuy nhiên những khó khăn được dự báo trước như đội hình vay mượn, chắp vá, các trụ cột giải nghệ hoặc đầu quân cho CLB khác vì chế độ đãi ngộ chưa như mong muốn khiến đội bóng này không bật lên ở nhóm đầu mà nằm ở nhóm phải đua trụ hạng.
Sau vòng 1 thi đấu trầy trật, đội bóng chuyền nữ TP.HCM được quan tâm tốt hơn. Bản hợp đồng 6 tỉ đồng từ một nhà tài trợ giúp đội bóng tháo gỡ được khó khăn về chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV, đồng thời có chi phí thuê được ngoại binh chất lượng Gina Mambru (CH Dominica). Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị gấp gáp và lực lượng nội binh mỏng, chất lượng không đồng đều khiến CLB TP.HCM dù có ngoại binh vẫn thua cả 4 trận ở bảng C vòng 2 giải vô địch quốc gia 2023 tại Đà Nẵng nên phải ngậm ngùi trở lại với sân chơi hạng A vào năm sau.
Sau trận thua trước CLB VietinBank là đối thủ cạnh tranh trực tiếp tấm vé trụ hạng ở bảng C, các cầu thủ đội nữ TP.HCM vô cùng buồn bã. HLV Trần Hiền cũng thất thần nhưng liên tục động viên các học trò bởi biết rằng họ đã nỗ lực hết khả năng của mình.
Đội nam "lực bất tòng tâm"
Từng lên ngôi vô địch quốc gia 2 năm liên tiếp 2018, 2019, đoạt HCĐ Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022, ít ai nghĩ bóng chuyền nam TP.HCM lại lao dốc quá nhanh khi xếp cuối bảng C ở vòng 2 giải vô địch quốc gia 2023, và phải xuống hạng.
Hôm qua 12.11, trên đường từ Đắk Nông trở về TP.HCM, HLV Nguyễn Văn Hòa vẫn chưa thể nuốt trôi vị đắng mà đội bóng chuyền nam TP.HCM trải qua ở giải năm nay khi chỉ có được một chiến thắng trước đội Long An. "Chúng tôi phải trải qua một mùa giải đầy khó khăn khi có đến 7 trụ cột nghỉ, trong khi không có kinh phí để thuê ngoại binh. Dù thi đấu với dàn cầu thủ trẻ, non kinh nghiệm nhưng tôi hài lòng vì các em đã chơi đầy nỗ lực và không quá thua kém khi chơi trước các đối thủ mạnh như Thể Công, Sanest Khánh Hòa, Hà Tĩnh. Việc giải năm nay có 2 đội rớt hạng khiến việc cạnh tranh khốc liệt, các đội lại có sự đầu tư tốt. Gắn bó với đội từ năm 2015 khi còn làm trợ lý HLV đến tận bây giờ, đội phải rớt hạng tôi đau lắm nhưng lực bất tòng tâm", HLV Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.
Những người trong cuộc và tâm huyết như HLV Nguyễn Văn Hòa mới "đau đáu" với tình cảnh của bóng chuyền nam TP.HCM vốn từng có vị thế hàng đầu làng bóng chuyền VN. Sau nhiều năm có các nhà tài trợ chống lưng, bóng chuyền nam TP.HCM hiện tại lại không có đơn vị tài trợ, phải "sống" bằng chế độ nhà nước ở mức lương căn bản. Đó là lý do mà dàn trụ cột như Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Dữ, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Thanh Hải nói lời chia tay đội.
Tháo gỡ khó khăn ra sao ?
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân cho biết đối với đội bóng chuyền nữ, TP.HCM vừa ký kết với một nhà tài trợ trong thời gian 5 năm. "Cả đội đã nỗ lực ở vòng 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên với việc được ký kết đầu tư lâu dài, đội bóng chuyền nữ TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện lực lượng với mục tiêu sớm trở lại sân chơi cao nhất", ông Nhân nói.
Đối với đội bóng chuyền nam, Sở VH-TT, Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM nỗ lực tìm kiếm nhà tài trợ để vực dậy đội. "Tuy rớt hạng nhưng đội nam bóng chuyền TP.HCM đang sở hữu dàn cầu thủ trẻ tiềm năng. Trước mắt chúng tôi tìm kiếm nhà tài trợ vừa có tiềm lực vừa đam mê bóng chuyền để gắn bó lâu dài với đội. Tôi tin rằng bóng chuyền nam TP.HCM sẽ sớm lấy lại vị thế của mình", ông Nhân bày tỏ.
HLV Nguyễn Văn Hòa nói: "Tôi sẵn sàng tiếp tục gắn bó với đội nam bóng chuyền TP.HCM. Đội đang sở hữu nhiều gương mặt tiềm năng, nếu được đầu tư tốt và không ngừng nỗ lực, tôi tin các em sẽ sớm đứng vững được trên đôi chân của mình".