Với sức mạnh của camera điện thoại,ữnglưuýkhichụpảnhphongcảnhbằtải nhạc về máy người dùng có thể chụp được các bức ảnh đẹp khi áp dụng một số thủ thuật dưới đây.
Làm quen với thiết bị chụp
Trước khi bắt đầu, điều quan trọng là hiểu khả năng của máy ảnh. Trên điện thoại, chế độ chụp Chuyên nghiệp (Pro) hỗ trợ các tính năng giúp người dùng tự kiểm soát thông số. Hãy dành chút thời gian để đọc hướng dẫn và tìm hiểu cài đặt bên trong để tận dụng tối đa sức mạnh thiết bị.
Khi chụp, người dùng nên bật đường lưới để tìm góc chụp, điểm "vàng" một phần ba hay công cụ cân bằng trên màn hình để đảm bảo ảnh không bị lệch. Bên cạnh đó, cần đưa nhiều nhất chủ thể vào ảnh phong cảnh nếu có. Phần mềm chỉnh sửa có thể cải thiện hiệu ứng bức ảnh, nhưng không thể cứu vãn bố cục xấu.
Đi sớm, về muộn
Theo Cnet, các mốc thời gian trong ngày sẽ thay đổi mức ánh sáng - yếu tố tạo hiệu ứng lớn nhất. Thời gian tốt nhất để "bắt" được ánh sáng giúp cho ra những tấm hình ấn tượng là bình minh hoặc hoàng hôn. Ở hai mốc thời gian này, ánh sáng thường tạo ra bóng dài phủ lên khung cảnh, trong khi giữa trưa là lúc tệ nhất vì ánh sáng chiếu từ trên xuống khiến bức ảnh có cảm giác "phẳng lì" và thiếu sức sống.
Bên cạnh đó, thời tiết cũng đóng vai trò lớn trong bất kỳ ảnh chụp ngoài trời nào. Các điều kiện thời tiết khác nhau sẽ biến đổi khung cảnh theo hiệu ứng khác nhau, từ đó người xem có thể hiểu nội dung ảnh qua ánh sáng và màu sắc của nó.
Thời tiết xấu không có nghĩa là chụp ra ảnh xấu, thay vào đó có thể giúp người xem hiểu được chủ ý của tác giả. Dù vậy, với người dùng phổ thông, để chụp ảnh phong cảnh đẹp, nên tránh bầu trời xám xịt, đơn điệu, ít ánh sáng và không có sự tương phản với khung cảnh trước mặt.
Làm chủ ánh sáng
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng trong nhiếp ảnh bởi nó có thể tạo ảnh đẹp hoặc khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Việc tìm hiểu cách sử dụng và làm chủ ánh sáng tự nhiên có lợi cho việc chụp ảnh.
Chẳng hạn, nên cố gắng tránh ánh nắng gắt, trực tiếp. Thay vào đó, tìm nơi có ánh sáng dịu, khuếch tán. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thử nghiệm ánh sáng nhân tạo như đèn hoặc đèn flash để tạo ra hiệu ứng khác nhau.
Kiểm soát bố cục
Việc kiểm soát chi tiết bên trong ảnh, đặc biệt là ảnh phong cảnh, được đánh giá rất quan trọng. Trong đó, yếu tố về màu sắc cần được chú ý đầu tiên. Theo các chuyên gia, ảnh phong cảnh cần càng ít màu càng tốt do khi có quá nhiều màu sắc che phủ trên một hình ảnh, hiệu ứng tổng thể có thể bị xung đột.
Chẳng hạn, với 9 bức ảnh trên, dù được chụp ở vị trí khác nhau, khi đăng cùng một lúc vẫn tạo ra nét hài hòa. Dù có nhiều ảnh, tổng thể nhìn không lộn xộn vì màu sắc thống nhất. Ngoài ra, nó cũng kích thích người xem chọn từng bức ảnh một để nhìn chi tiết.
Bên cạnh đó, khi chụp, hãy đảm bảo tất cả thành phần của ảnh đều thống nhất. Ví dụ, nếu nền của ảnh không phải tiêu điểm, tránh chụp quá nhiều chi tiết nền. Sử dụng quy tắc một phần ba để tạo bố cục cân bằng. Quy tắc một phần ba mô tả việc chia khung hình thành ba phần theo cả chiều ngang và chiều dọc, sau đó hướng ống kính để đặt chủ thể tại một trong các điểm giao nhau.
Khi chụp, điều quan trọng là phải có chủ thể rõ ràng. Điều này sẽ giúp tạo điểm nhấn mạnh và làm cho ảnh trở nên thú vị.
Chọn vị trí chụp
Trừ khi đã trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, người dùng nên chọn địa điểm chụp ảnh tươi sáng, màu sắc nhẹ nhàng, bối cảnh sạch sẽ. Đặc biệt, những màu sáng như trắng hoặc kem sẽ rất tốt cho những ai mới tập chụp.
Nếu có sở thích chụp tiền cảnh, những gốc cây, những tảng đá phủ đầy rêu, thậm chí cả một số loài hoa dại đều có thể được sử dụng để thu hút ánh nhìn của người xem. Ví dụ, khi ở trên đỉnh đồi, hãy dành vài phút để quan sát xung quanh và tìm thứ gì đó có thể đặt vào ảnh để giúp gắn kết khung cảnh lại với nhau.
Thử phơi sáng
Độ phơi sáng là thuật ngữ chỉ lượng ánh sáng đi vào cảm biến của máy ảnh. Yếu tố này có thể được điều chỉnh bằng cách sử dụng khẩu độ, tốc độ màn trập và cài đặt ISO. Việc phơi sáng khác nhau tạo ra các bức ảnh có hiệu ứng khác nhau. Chẳng hạn, khẩu độ thấp có thể tạo độ sâu trường ảnh nông, trong khi tốc độ màn trập cao có thể "đóng băng" chuyển động.
Yếu tố khác
Việc sử dụng chân máy có thể giữ smartphone ổn định, từ đó giúp ảnh không bị rung, nhòe. Ngoài ra, người dùng không nên ngại thử thách với cách chụp mới và kỹ thuật chụp khác nhau. Không ít bức ảnh thú vị đến từ những ý tưởng độc đáo và khoảnh khắc bất ngờ.
Đăng ảnh lên mạng xã hội
Theo các chuyên gia, nếu đăng từ hai ảnh trở lên, thứ tự ảnh sẽ ảnh hưởng tới hiệu ứng hiển thị. Ví dụ, khi đăng 4 hoặc 9 ảnh, toàn bộ ảnh sẽ được trình bày dưới dạng hình vuông tạo cảm giác bắt mắt và dễ gây chú ý; 3 hoặc 6 ảnh được hiển thị dưới dạng hình chữ nhật, giúp người xem cảm thấy thoải mái; còn số lượng khác dễ gây cảm giác lộn xộn.
Bên cạnh đó, người dùng nên lưu ý về vị trí ảnh. Chẳng hạn, khi loạt 9 ảnh hiển thị theo "hình vuông", người xem ban đầu thường để ý đến bức đầu tiên và bức thứ 5 nằm chính giữa. Do đó, có thể đặt ảnh đẹp nhất ở hai vị trí này để tạo điểm nhấn.
Bảo Lâm(theo ITHome, Cnet)