Chị là Phạm Thị Thu Nguyệt,ăngsánggiữađờh5 vừa bước qua tuổi 40. Nhắc đến chị, mọi người thường hình dung về một người phụ nữ nhân hậu, nhẫn nại và luôn bao dung với cuộc đời.
Bước lùi lại để tiến xa hơn
Vốn là một phụ nữ có công việc và mức lương ổn định, thuận lợi trang trải cuộc sống, chị Nguyệt đã chọn dấn thân vào con đường chia sẻ tình thương vốn dĩ tồn tại khá nhiều khó khăn.
Để thuận tiện thời gian đến với những mảnh đời bất hạnh một cách kịp thời, chị Nguyệt sẵn sàng gác lại công việc chuyên môn để bước vào hành trình kiếm sống bấp bênh hơn.
Ngày chị quyết định nghỉ việc để mở một cửa hàng thực phẩm nho nhỏ, rất nhiều người khuyên nhủ "thôi đừng, cực thân". Nhưng chị đã lựa chọn dứt khoát.
Chị luôn tin, trên hành trình mới mà mình sắp bước đi, nhiều nụ cười sẽ nở ra, nhiều yêu thương sẽ ươm mầm và thật nhiều phận người cơ khổ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn trước nghịch cảnh cuộc đời.
Và chị đã đúng !
Cửa hàng nhỏ của chị nằm trên đường Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, chị và những người anh em của mình đã nấu từng chai nước nha đam, rau má... để tặng cho các cô chú bán rong trong hoạt động "Ship nước không địa chỉ". Cũng ở đây, những chuyến hàng từ thiện liên tục được tập kết.
Chị luôn tâm niệm mình là người may mắn, được yêu thương, được bình an và hạnh phúc. Vậy thì, chị cần phải chia sẻ năng lượng may mắn ấy đến với những mảnh đời bất hạnh hơn.
Người dân xung quanh khu vực cửa hàng Tâm Minh không quá ngạc nhiên khi bắt gặp tình trạng cửa đóng then cài, nghỉ bán không báo trước. Ấy là khi chị có những chuyến từ thiện về với đồng bào miền cao. Ấy là khi có một hoàn cảnh ngặt nghèo cần được hỗ trợ kịp thời viện phí để phẫu thuật hoặc một chuyến xe tang tiễn người xấu số về nhà...
Chị luôn đến và mang yêu thương trao đi một cách chân thành.
Mang tình thương lên nóc cao
Nhiều năm qua, chị và những người anh em của mình không ngại khó, ngại xa khi liên tục mang niềm vui về với nóc cao các khu vực Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Những lần tận mắt chứng kiến người già, trẻ nhỏ miền cao phong phanh trong những tấm áo mỏng giữa trời mù sương và đôi chân trần lạnh buốt, chị không đành lòng.
Đặc biệt, điều kiện học tập vô cùng khó khăn của các em nhỏ trên các nóc thôi thúc chị phải san sẻ yêu thương nhiều hơn cho những nơi này.
Dấu chân thiện nguyện của chị đã hằn lên từng cung đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh sỏi đá trên khắp các nóc Ông Đoàn, Xa Rơ, A Mây, Tu Gia, Măng Ri, Tak Pỏ, Mô Rỗi, Tak Pu, Tu Hon, Long Bok, Ông Bình, Mang Lanh, Tăk Tố, Tăk Râu...
Chị đến đó, thật tâm trao gửi những phần quà từ nhà hảo tâm khắp nơi mà chị kêu gọi được. Có lúc chỉ là sách vở, quần áo, mùng mền, gạo mì; có lúc chị vận động sắm máy lọc nước, máy bơm. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt cụ thể của mỗi khu vực mà chị sẽ trực tiếp đứng ra kêu gọi sao cho phù hợp. Bên cạnh đó là khả năng đóng góp tài chính của riêng gia đình chị.
Những chương trình Bữa ăn yêu thương, Hạt gạo yêu thương được chị và nhóm bạn tiến hành định kỳ đã trở thành một món quà ý nghĩa không chỉ đối với đồng bào Nam Trà My mà đã trở thành một điểm tựa tinh thần quý giá cho tất cả những ai biết đến chị.
Bởi, từ chị, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống ngày càng xô bồ, hối hả.
Tận lực, tận tâm và tận hiến
Chị luôn tâm niệm "bất kỳ ai đến và đi trong đời mỗi người đều có lý do, tất cả là nhân duyên và cần phải trân trọng".
Có lẽ vì thế, dù là ai, khi gặp chị đều nhận được năng lượng yêu thương tích cực. Chị sẵn sàng vòng tay ôm lấy một cụ già đơn chiếc trong lần đầu gặp gỡ. Chị chân thành dìu đỡ những bác khiếm thị trong các khóa tu mà chị tham gia hỗ trợ để chỉ đường, dẫn lối.
Bên cạnh hoạt động từ thiện về với vùng cao, những lần hỗ trợ đột xuất cho hoàn cảnh ngặt nghèo, những trưa đứng bóng đi tặng nước uống thì chị và nhóm bạn còn thực hiện nhiều chương trình thiết thực hằng tháng.
Những bữa cơm từ thiện được chọn nấu từ nguyên liệu chất lượng và mang tặng cho người nhà, bệnh nhân tại các trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức; Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện vùng cao Nam Trà My.
Không dừng lại ở đó, tháng 10.2021, những dòng người từ TP.HCM ồ ạt đổ về các tỉnh miền Trung khi dịch Covid-19 tạm lắng, chị và những người anh em của mình đã thổn thức cùng đồng bào tại điểm dừng Tam Kỳ.
Chương trình Tiếp sức bà con về quê được thực hiện gấp rút và kéo dài 5 ngày với sự đóng góp tài lực từ rất nhiều chư tăng ni phật tử và bà con khắp nơi đã tiếp thêm động lực và hy vọng cho những bước chân trở về còn rất nhiều khốn khó.
Giữa nỗi lo dịch bệnh và sức khỏe, chị một lần nữa lựa chọn dấn thân để yêu thương được lan tỏa.
Có lẽ, từng nụ cười, từng giọt nước mắt, từng câu cảm ơn rưng rức từ những con người xa lạ chỉ mới lần đầu gặp gỡ ấy đã thắp lên nhiều hơn trong tim chị những động lực lớn lao để tiếp tục bước tiếp hành trình sẻ chia.
Chặng đường mà chị đang bền chặt theo đuổi sẽ tiếp tục nở hoa dẫu trên đá sỏi, để đôi chân chị sẽ mãi vững vàng với lựa chọn của mình. Ánh sáng của tình thương mà chị và những người đồng hành đang gieo rắc sẽ là ngọn lửa rực rỡ của tình người hôm nay.